Nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ tại các tòa nhà, chung cư không chỉ đơn thuần là bảo vệ tài sản mà quan trọng hơn cả là thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy. Thực tế những vụ việc xảy ra thời gian qua cho thấy khâu phát hiện và xử lý tình huống tại chỗ của đội ngũ bảo vệ vô cùng quan trọng.
Vừa qua, các thành viên CLB Quản lý tòa nhà Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt định kỳ lần thứ 13 với chuyên đề “Công tác bảo vệ an ninh tại các tòa nhà”. Buổi sinh hoạt tập trung vào những tình huống, vấn đề cụ thể phát sinh trong công tác an ninh bảo vệ ở một số tòa nhà, cách xử lý tình huống và chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận.
Chi tiết, các thành viên đưa ra phân tích trường hợp vụ cháy chung cư Carina hồi tháng 3/2018 để thấy rõ hơn về vai trò của đội ngũ an ninh bảo vệ trong công tác PCCC. Nguyên nhân ban đầu gây ra đám cháy xuất phát từ chiếc xe máy Attila dưới tầng hầm. Chỉ trong một thời gian ngắn, kéo theo hàng loạt những lỗ hổng trong công tác PCCC như: báo cháy chậm, hệ thống PCCC không hoạt động, trách nhiệm của chủ đầu tư và người dân đã làm vô hiệu hệ thống thoát nạn. Điều đáng chú ý là nếu như ngay thời điểm chiếc xe Attila bốc cháy mà bảo vệ phát hiện kịp thời thì chuyện đáng tiếc đã không xảy ra.
Ông Vũ Hoàng Linh, Giám đốc phụ trách an ninh tập đoàn Vingroup chia sẻ: “Vụ cháy Carina đầu tiên do lỗi hệ thống, toàn bộ hệ thống PCCC của Carina đều không được ban quản lý vận hành theo đúng tiêu chuẩn. Mặc dù có hệ thống chữa cháy dưới tầng hầm nhưng hệ thống đó bị hỏng, Ban quản lý, Ban quản trị không quan tâm đến việc sửa chữa, thay thế hệ thống. Đặc biệt là không có công tác kiểm tra định kỳ.
Vì vậy, nếu như hệ thống PCCC tốt thì khi xảy ra cháy bảo vệ có ngủ thì tất cả các hệ thống cũng sẽ báo động và hiển nhiên ai cũng sẽ nghe thấy. Còn một vấn đề đặt ra đó là đầu vào của đội ngũ bảo vệ thấp, không được đào tạo một cách chính quy và gần như không có kỹ năng về PCCC, vừa phát hiện muộn và kỹ năng xử lý thì lại rất kém.”
Ông Vũ Hoàng Linh cũng cho rằng công tác bảo đảm an ninh tòa nhà trong đó công tác PCCC là tối quan trọng và vụ cháy Carina như một lời cảnh tỉnh cho đội ngũ làm công tác an ninh bảo vệ. Đồng thời, vấn đề bảo vệ an ninh trong lúc xảy ra sự cố cháy nổ cũng vô cùng quan trọng và cần phải chú ý. Có thể nói, vấn đề ở đây là do lỗi hệ thống, từ bảo vệ đến công tác quản lý của chủ đầu tư và công tác quản lý của Ban quản lý tòa nhà.
Trên thực tế, tình trạng cháy nổ và mất cắp vẫn là một câu chuyện muôn thuở và không hiếm gặp ở các chung cư trên địa bàn cả nước. Ngoài việc phân tích những trường hợp cụ thể và đưa ra những quan điểm xử lý, các thành viên tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề cũng nếu ra những khó khăn mà công tác an ninh bảo vệ ở các tòa nhà gặp phải.
Có thể bạn quan tâm:
Đại diện phía đơn vị bảo vệ, ông Đoàn Văn Giang, Giám đốc Công ty dịch vụ bảo vệ Samurai Việt Nam cho rẳng: Xét một cách toàn diện thì nghiệp vụ bảo vệ tòa nhà không có gì phức tạp. Tuy nhiên để tìm được nhân sự phù hợp với tòa nhà chung cư thì phức tạp hơn rất nhiều. Bởi vì ở đây mỗi cư dân là một khách hàng, mà khách hàng là thượng đế, thượng đế thì không bao giờ sai. Thành ra vấn đề ứng xử giữa bảo vệ và người dân nhiều khi rất khó và không tìm được tiếng nói chung. Do đó, khó nhất của công tác an ninh trong các tòa nhà chính là văn hóa ứng xử. Bên cạnh đó, hiện nay ở các chung cư đang thiếu một chính quyền. Cái khó của bảo vệ là bảo vệ không có quyền và không có tiếng nói, biên bản do bảo vệ lập ra không có chế tài.
Trong khi đó, một vị đại diện Ban quản lý tòa nhà khác cho hay: “Câu chuyện lớn nhất bây giờ là vấn đề an ninh, an toàn cho chính Ban quản lý và cả tòa nhà. Bởi vì có những tình huống phát sinh, Ban quản lý gửi công văn rất nhiều lần lên Ban quản trị nhưng Ban quản trị không duyệt và cho rằng Ban quản lý vẽ việc để xin tiền. Vậy khi có sự số xảy ra lúc đó chẳng lẽ lại đi đổ trách nhiệm cho nhau?”.
Ngoài ra, cũng có một số ý kiến cho rằng việc sử dụng bảo vệ chuyên nghiệp không phù hợp với các chung cư, thay vào đó nên sử dụng bảo vệ thuê ngoài song song với sử dụng bảo vệ nội bộ để tăng hiệu quả của công tác an ninh.
Chia sẻ về một số khó khăn, anh Nguyễn Thành Long, thành viên Ban quản trị chung cư Mipec RiverSide Long Biên cho biết: “An ninh trong các tòa nhà hiện nay cũng gây khó khăn cho đội ngũ làm công tác quản lý như: một số chủ sở hữu căn hộ cho khách thuê theo hình thức homestay, bao gồm cả khách nước ngoài, do đó rất phức tạp. Khi có những vấn đề gây mất trật tự công cộng xảy ra, Ban quản trị hay Ban quản lý cũng không có quyền mở của căn hộ đó để kiểm tra mặc dù có chìa khóa trừ khi xảy ra vấn đề hỏa hoạn. Do vậy trường hợp gõ cửa nhắc nhở đôi khi không hiệu quả, hoặc có trường hợp người dân nghe thấy nhưng không mở cửa. Do vậy rất khó khăn trong vấn đề xử lý, kỷ luật”.
Nguồn: http://reatimes.vn/nan-giai-chuyen-bao-ve-o-toa-nha-chung-cu-28514.html